[Review][Light novel] Cô gái văn chương và tên hề thích chết - Nomura Mizuki

/
0 Comments


"文学少女"と死にたがりの道化 
"Cô gái văn chương và Tên hề thích chết"
_______

“Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn.
Tôi như một con cừu đen sinh ra lạc lõng giữa bầy cừu trắng muốt.
Tôi không thể vui chung niềm vui với đồng bạn, không thể buồn nỗi buồn của mọi người, không thể ăn những thứ mà ai cũng ăn. Tôi không thể hiểu được những thứ tình cảm mà đồng bạn tôi trân ái, như tình yêu, sự dịu dàng, lòng vị tha,… Điều duy nhất mà con cừu đen đáng thương tôi có thể làm là phủ lên bộ lông đen của mình một lớp bột trắng và giả vờ mình cũng là một phần của bầy cừu.
Và rồi, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đeo mặt nạ, và vẫn diễn, vai diễn một tên hề.”

Những dòng chữ ấy bám riết lấy tôi trong quá trình lật từng trang “Cô gái văn chương và tên hề thích chết” đến nỗi khi rời mắt khỏi những dòng cuối cùng của quyển sách, tâm trí tôi vẫn luôn hỗn loạn… 

“Nghẹt thở!” tôi hét vang trong tâm trí mình.

Trước khi được cầm quyển sách trên tay, thứ duy nhất hấp dẫn, hay nói đúng hơn là những gì tôi biết về quyển sách này chỉ là một Light Novel không hơn. Bên cạnh đó, cái tên của quyển sách lúc nào cũng làm tôi bật cười mỗi khi nghĩ đến: ““Cô gái văn chương và tên hề thích chết”?! Cứ như đùa!”. Nhưng quả thật, ngay lúc ngồi gõ những dòng này, tôi phải khẳng định một điều là không thể tìm được cái tên nào phù hợp hơn với câu chuyện này. “Cô gái văn chương và tên hề thích chết”_tôi đã không thể nào hiểu được đầu đề đó cho đến lúc đi đến cuối cùng của câu chuyện và bị nuốt chửng bởi những dòng in đậm trong trang sách.

Khác hoàn toàn với những gì đã tưởng tượng về một thế giới ngập tràn màu sắc, những điều vui tươi, ước mơ, hy vọng,… qua những minh họa đậm chất manga thường thấy ở Light novel, “Cô gái văn chương và tên hề thích chết” là quyển sách của SỰ HOÀI NGHI. Tôi như tìm lại được những cảm xúc u ám, nặng nề cứ lửng lờ chảy trôi theo dòng chữ qua những cái chết như những gì ám ảnh nhất mà mình đã từng tiếp xúc trong “Rừng Na Uy”, “Kitchen”,… Cảm giác chỉ riêng văn học Nhật Bản mới có. Cảm giác mà mỗi lần đọc lại thấy tâm trạng mình như tụt dốc không phanh, như tâm hồn vô tình ngã vào một miền không gian tối đen vô tận… bởi những ám ảnh quá khứ… Chỉ có điều, những cảm xúc đó ẩn chứa trong một áng văn dễ thương đến lạ lùng, với những nhân vật mà tôi chỉ có thể thốt lên: “Sao lại đáng yêu đến vậy?”

Thế giới nơi đấy vẫn ngập tràn ánh nắng, vẫn đầy ăm ắp tiếng cười và những điều bình dị nhất. Vậy mà tại sao… Phải chăng tác giả đang dựng một màn kịch ngọt ngào để khiến những nhân vật của mình thành những tên hề đeo bộ mặt cười?

Tôi hoàn toàn không thể hiểu ai mới thực sự là nhân vật mang đại từ “tôi”, ai là cô gái, ai là tên hề... 
Inoue Konoha_nhân vật trực tiếp kể câu chuyện, đã từng một thời được người ta xưng tụng như một “cô gái văn chương” tài hoa? 
Amano Tooko_một nữ sinh kỳ lạ yêu sách đến nỗi nghiện những mùi vị, hương thơm từ những trang sách mà cô ăn-tươi-nuốt-sống như một niềm hạnh phúc, luôn tự nhận bản thân là một “cô gái văn chương”? 
Kataoka Shuuji_nam sinh đã tự sát cách đây 10 năm bởi sự lạc lỏng và ám ảnh giữa dòng đời? 
Takeda Chia_cô bé hồn nhiên mang trong mình trái tim bị tổn thương sâu sắc sau cái chết của người bạn thân?
... 
Mỗi nhân vật phảng phất một chút hình bóng của hình tượng “con người” được gọi tên trong tác phẩm.

Một câu chuyện học đường, quyện mùi vị trinh thám bí ẩn cùng những cái nhìn u ám về nhân sinh…

“…
Ngày đó, thịt mềm nát vụn, dòng máu đào tỏa ra mùi hương ngòn ngọt chua chua lan rộng trên mặt đường nhựa đen kịt, còn tôi chỉ đứng đó nhìn, với một trái tim trống rỗng.
Tôi, đã, giết, một, “con người”.
Có lẽ, ngay cả Chúa cũng sẽ không dang tay đón nhận tôi nữa.
…”

Thế giới ngập tràn những con người bị ràng buộc với cái chết, với những người đã chết, với sự ám ảnh sâu dày của quá khứ. Họ chưa bao giờ được bình yên. Họ sợ hãi, chán ghét bản thân mình. Họ không thể tìm ra một đáp án nào khác ngoài tìm đến cái chết như một sự giải thoát dù hiểu rõ rằng: Cả Chúa trời cao cả cũng sẽ ruồng bỏ họ như chính họ tự bỏ rơi bản thân mình bằng cái chết…

Những con người mang ám ảnh nặng nề từ tác phẩm “Ningen Shikkaku” của Dazai Osamu. Họ cuồng quay trong những suy nghĩ, những băn khoăn về điều có thể hiểu được và cả điều mãi không hiểu được sau khi đọc nó, khi nghĩ về những gì mình đã trải qua…

“Nhưng em rất đần… nên cho dù có đọc “Mất tư cách làm người” bao nhiêu lần đi nữa, em cũng chẳng hiểu được nó đang nói về điều gì. Tại sao người này lại đau khổ như vậy… […] tại sao anh ta lại cho rằng bản thân là một con người đáng hổ thẹn không đáng được sống chứ? Em không thể hiểu được, anh ta quá kì lạ và được nuông chiều đến hư hỏng mất rồi. Anh ta hoàn toàn đâu cần phải cảm thấy đau khổ chứ.”

Hiểu. Đồng cảm. Chúng cuối cùng là như thế nào vậy?
Shuuji đã tìm đến một kết cục như Osamu.
Takeda tìm thấy bản thân mình trong Shuuji.
Họ cho rằng, mình không đáng được sống, mình là con quái vật ghê tởm không giống người.
Và cả Konoha cũng bị ám ảnh mãi về những hình ảnh cuối cùng của Miu…

Những con đường nào dành cho họ?

“…
Tôi vươn người ra khỏi hàng rào và nắm chặt tay Takeda.
Vừa thở hổn hển, vừa hét lên với cô bé.
- Em phải tìm ra một câu trả lời khác với Kataoka Shuuji!”

“Anh sẽ không cho em chết. Chỉ cần còn sống trên cõi đời này thì ai cũng phải đối mặt với vô số điều hổ thẹn!”

“…
Em thấy chưa! Dazai không chỉ có “Mất tư cách làm người” thôi đâu!
Đúng là ông ấy cũng từng viết nhiều tác phẩm đầy u ám, có lẽ “Mất tư cách làm người” chính là câu trả lời mà Dazai tìm được.
Nhưng chỉ vậy thôi thì không phải toàn bộ tư tưởng của Dazai
…”

Những tác phẩm văn chương nối liền lòng người với nhau...
Tuy cùng nhau lạc lõng nhưng họ có thể cùng nhau tìm một con đường khác…
Thế hệ trước đã chọn cách sống với ám ảnh về người đã chết như một sự trừng phạt cho bản thân.
Và giờ đây, những con người của hiện tại nắm chặt lấy đôi tay của đồng loại mình, kéo ra khỏi quá khứ… Có thể bản thân vẫn sẽ còn chông chênh một thời gian rất dài nữa, nhưng chắc chắn họ vẫn thấy thật may mắn khi mình còn sống!

“Cả hai người đều nắm chặt tay tôi, đều cố gắng thuyết phục tôi.
Tôi đã khóc.
Tôi đã vừa khóc vừa cười.
Tôi vẫn không biết cái gì là buồn, cái gì là vui, cái gì là đau thương, cái gì là hạnh phúc, chỉ là tôi không thể ngăn nước mắt trào ra. Có lẽ, vào lúc đó, mặt của tôi đã nhăn nhúm như một con khỉ trong sở thú, hoặc là như một đứa trẻ mới sinh.
Tôi thả lỏng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, chiếc cốc mà Shii tặng tôi trượt khỏi những ngón tay và rơi xuống.
Để nhắc mình không được quên tội ác đã làm với Shii, tôi luôn đặt chiếc cốc này ở nơi tôi có thể nhìn thấy.
Nhưng khi nó rời khỏi những ngón tay của tôi, va vào đất và vỡ tan tành, tôi bỗng thở phào nhẹ nhõm.
Lòng tôi trở nên nhẹ nhõm, tôi có cảm giác như mình đã được giải thoát.
…”

Câu chuyện khép lại sau khi Konoha và Tooko đã giành lấy Takeda từ cái chết.
Liệu đó có phải là một kết thúc trọn vẹn?
Tôi không biết. Chỉ là cảm giác khó thở và hoài nghi vẫn còn đó. Tâm trí tôi ngập tràn những ám ảnh của Konoha về Miu, về dòng chữ từ lần đầu tiên mở sách:
“Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn.”

Thật sự xin lỗi những ai tiếp cận tác phẩm này như một câu chuyện “lấy bối cảnh học đường pha chút hài hước và bí ẩn, một câu chuyện nhẹ nhàng tan ra trong miệng, với một chút vị đắng đọng lại trên đầu lưỡi”. Bản thân tôi thấy câu chuyện này như một ly cà phê đen không đường vậy. Đắng. Rất đắng. Nhưng tỏa ngát hương thơm… Thật sự tôi đã nhìn vào một khía cạnh khá u ám! (cười) Nhưng chắc chắn nó sẽ là tác phẩm yêu thích của tôi từ bây giờ.

Bản thân tôi rất ấn tượng với bản dịch của Runan, rất mượt, tự nhiên, hoàn toàn không khô cứng như những Light novel trước đây tôi đã từng đọc. Nhưng giá như dịch giả có thể giữ nguyên tên gốc của tác phẩm “Ningen Shikkaku” của Dazai Oasamu rồi chú thích nghĩa thô bên dưới hoặc mượn tên “Thất lạc cõi người” của dịch giả Hoàng Long thay vì dịch nghĩa “Mất tư cách làm người” thì sẽ hay hơn rất nhiều. 
Bên cạnh đó, tên quyển sách nên sửa “tên hề thích chết” thành “tên hề muốn chết” sẽ sát nội dung tác phẩm hơn. Bởi nơi đây, những nhân vật tìm đến cái chết vì những dằn vặt, những ám ảnh chứ họ hoàn toàn không có “sở thích” được chết.

Về phần hình thức thật tình không thể chê điều gì cả. Từ cách trình bày bìa, in ấn, font chữ bên trong đến cả giấy in tôi đều có cảm giác hài lòng; giá cả hoàn toàn phù hợp với chất lượng sách.

Thật sự rất mong tập 2 của seris “Cô gái văn chương” của Thaihabooks.

[KDX]


You may also like

No comments: